Đôi nét về bonsai

Đăng bởi Hà Vy

04/12/2020 15:47

Cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về bonsai, có rất nhiều quan niệm về bonsai trên nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên dù định nghĩa theo kiểu nào thì chúng ta cũng có một hình dung chung cho bonsai: Đó là nghệ thuật chơi cây cảnh.

1. Bonsai là gì?

Bonsai là cây được trồng trong chậu, khay, được cắt tỉa tạo dáng theo một phương pháp đặc biệt, mang đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ và ấn tượng thiên nhiên sẵn có. Nói cách khác, bonsai là một cây hay một nhóm cây trong thiên nhiên được thu nhỏ lại nhưng vẫn mang nét cổ thụ, được trồng trong chậu, khay hay trên đá bằng một kỹ thuật và nghệ thuật riêng biệt.

Người Nhật thường so sánh bonsai với thể thơ cổ điển “Hai-Kai” của họ, diễn tả một cách cô đọng súc tích và ẩn tàng một tình cảm hay một trạng thái tinh thần dồi dào mãnh liệt. cũng có quan niệm cho rằng bonsai là một hình thái nghệ thuật đơn nhất vì nó là sự hòa hợp giữa nghệ thuật và nghề làm vườn.

Sự khác biệt giữa cây bonsai và cây trồng trong chậu là: cây trồng trong chậu thường là để thưởng thức hoa hay lá đẹp, còn đối với bonsai thì trồng để thưởng thức vẻ đẹp của cây trong mối tương quan hài hòa của nó với chậu.

Cây bonsai có thể chỉ cao hai tấc, nhưng nó vẫn mang sắc thái của một cây to mọc trên núi cao hoặc một dáng tương đương với một cây thông đứng trơ trọi một mình trước gió hay đeo trên vách ở bờ biển hoang vu. Có nhiều thế bonsai nhưng cũng giống như các cây sống ngoài thiên nhiên, không khi nào có hai cây hoàn toàn giống nhau.

Hai xu hướng mới trong bonsai là: tạo ra ấn tượng, cảm giác đứng trước một khu rừng bằng cách trồng gom một số cây trên một chiếc khay và xu hướng trồng trên một khối đá có hình thù lạ mắt để tạo ra ấn tượng một cảnh quan thu gọn của một vùng núi non (không phải là “Non bộ”).

Bonsai tượng trưng cho sự hài hòa giữa người và thiên nhiên. Lúc xưa, bonsai mang tính chất gần như là tôn giáo: dùng làm của dâng cúng, hoặc ít ra cũng có mang tính chất triết lý: cây bonsai là biểu tượng cho sự trường tồn, con đường tinh thần dẫn đến sự hoàn thiện. Ngày nay, nếu bonsai đã mất tính chất tôn giáo, thì khía cạnh triết lý của nó vẫn còn mặc dù có hơi thay đổi do sự biến hóa của nền văn minh.

Đặc trưng của bonsai là dùng cây cảnh, đá núi và các loại vật liệu khác, qua nghệ thuật gia công và chăm sóc tỉ mỉ tạo thành tác phẩm nghệ thuật.

Bonsai là hình ảnh thu nhỏ của vẻ đẹp thiên nhiên. Qua nghệ thuật gia công từng phiến đoạn cảnh đẹp thiên nhiên, có tư thế sinh động đẹp đẽ. Trong sáng tác thường ẩn chứa một nội dung tư tưởng và kết hợp nghệ thuật thi họa, gốm sứ, điêu khắc để bonsai hoàn mỹ mang ý thơ nét họa ngây ngất lòng người.

Bonsai không những có giá trị chiêm ngưỡng rất cao mà còn làm phong phú cuộc sống, nâng cao trình độ nghệ thuật làm lục hóa, mỹ hóa và sạch môi trường sống để có lợi cho sức khỏe, trở thành một loại nghệ thuật quý báu của con người.

Phong cách nghệ thuật bonsai được hình thành có ảnh hưởng bởi điều kiện lịch sử và khí hậu địa lý.

Các nhà nghệ thuật bonsai khi sáng tạo đặc sắc nghệ thuật và phong cách hình thành bonsai đều xuất phát từ quan điểm cá nhân, trình độ nghệ thuật và quá trình sinh sống cũng như tính cách cá nhân, tư tưởng và tình cảm, ý thích... Ngoài ra, vật liệu các nơi khác nhau, truyền thống tập quán khác nhau nên đề tài sáng tác và thủ pháp biểu hiện cũng có sự khác nhau.

Bonsai hình thành trải qua nhiều đời lưu truyền nên phong cách ổn định và được nhiều người thừa nhận, từ đó hình thành các trường phái nghệ thuật bonsai khác nhau.

Tóm lại, tùy theo quan niệm mà có những định nghĩa khác nhau, trong khi người này xem bonsai như là một trong những lẽ sống đầy ý nghĩa thiêng liêng cao cả của tư tưởng, triết học, tôn giáo, thì người khác lại xem đó chỉ là một thú vui lúc nhàn rỗi.

2. Phân loại bonsai

Dựa vào kích thước lớn nhỏ, người ta chia bonsai thành 4 loại: bonsai chậu lớn, bonsai loại trung (vừa), bonsai loại nhỏ và bonsai cực nhỏ.

Các loại cây bonsai

Ảnh minh họa nguồn internet

  • Bonsai loại lớn: thích hợp đặt ở nơi có không gian lớn như hội trường, sân nhà, công viên, trường học. Loại này cảnh diện rộng có thể tái hiện cảnh núi non hùng vĩ.

  • Bonsai loại vừa: là loại bonsai được trồng trong chậu dài từ 40 - 100cm, rộng từ 13 - 25cm, thích hợp để đặt ở phòng ngủ, bàn làm việc, cửa sổ bàn trà. Loại này thể hiện một đoạn bờ sông, một đám cây hay một cảnh sơn thạch (núi non) loại nhỏ.

  • Bonsai loại siêu nhỏ: loại bonsai này có thể nhỏ đến mức để trên ngón tay nên gọi là bonsai ngón tay. Người ta thường dùng loại chậu đường kính chưa đầy 5cm, dùng đặt ở đầu giường, cửa sổ. Bonsai siêu nhỏ lấy chậu cây là chính, còn bonsai non bộ là thứ. Đây là hình thái đẹp của phương pháp tạo hình một cây thực vật.

Tuy nhiên, căn cứ vào biểu hiện cảnh sắc tự nhiên với các diện mạo cũng như người sáng tạo ra các loại kiểu bonsai khác nhau nên cũng có thể phân loại như sau:

Trước tiên căn cứ vào các vật liệu tạo hình và quá trình sáng tạo khác nhau chia thành bonsai cây cảnh và bonsai non bộ. Đó là hai loại chính của bonsai.

Sau đó là căn cứ và bonsai lớn nhỏ, cao cấp mà chia thành bonsai loại cực lớn, loại lớn, loại vừa, loại nhỏ và loại siêu nhỏ. Người ta còn gọi loại siêu nhỏ là loại vi hình hay tụ chân (xách tay). Ngoài ra cũng còn căn cứ vào phương pháp bài trí khác nhau mà chia thành bonsai mặt đất, bonsai trên giá và bonsai treo (án đầu).

3. Các dạng bonsai

Tạo hóa là một nghệ sĩ tuyệt luân. Mỗi dạng cây ngoài thiên nhiên đều mang nét độc đáo với vẻ đẹp hiên ngang, hùng dũng hay ẻo lả của nó.

Cố gắng của người nghệ sĩ bonsai là tái tạo lại toàn bộ dạng cây trong một mô thức nhỏ bé nhưng phải lột tả hết tất cả những đặc tính của thiên nhiên, cộng thêm với phần sáng tạo qua sự họa kiểu dựa theo đường nét, khối lượng, sự cân bằng của thị giác và thị hiếu trong một không gian ba chiều. tất cả được tuân theo các quy luật thật tinh tế và khéo léo để đạt đúng nghệ thuật bonsai: đẹp, dễ nhìn và có hồn.

Bonsai có quy luật của nó, bất cứ dạng thức nào cũng đều nằm trong một tam giác vô hình. Bonsai được tạo để nhìn từ trước chứ không phải nhìn từ chung quanh nên các cành từ phía sau phải nhiều hơn để tạo nên chiều sâu, ngược lại không có cành chỏi về phía trước chỗ người đứng ngắm nó. Các cành được cắt bớt theo lối xen kẽ tạo nên một sự hòa hợp nhịp nhàng với thân, dạng cánh rừng chỉ được dùng số cây lẻ...

Tuy bonsai có quy luật, nghệ nhân bonsai không bắt buộc phải cứng nhắc, mà họ có thể “phá cách” như trong thi họa, miễn là nó theo sát đường nét không chỏi lại toàn bộ và không “lạc điệu” làm mất vẻ thẩm mỹ.

Nhìn chung bonsai được phân loại theo dạng thức dựa trên yếu tố chính là thân cây, do đó dạng bonsai được đặt tên theo dáng diện của cây. Có tất cả từ 30 đến 40 dạng bonsai:

- Dạng một thân

Gồm các dạng thẳng đứng theo kiểu cổ điển, thẳng đứng kiểu tự do, dạng thân trên gỗ mục, dạng gió rạp, dạng rễ mộc trên đá, dạng củ, dạng thác đổ... Mỗi dạng trên lại chia ra các dạng phụ.

- Dạng đa thân

Hai, ba hoặc cánh rừng nhỏ. Các dạng đa thân còn chia ra tiểu loại như loại trồng trên đá hoặc loại trồng thắng cảnh.

Dẫu dưới dạng thức nào, chúng ta nên nhớ là bonsai chỉ có một ngôn ngữ chung: phát biểu một ý thức nghệ thuật để lại những ấn tượng quý mến lâu dài trong trí người thưởng lãm.

Nên nhớ ngoài cách phân loại trên có những cây bonsai không được xếp loại vì hình dáng độc đáo, ví dụ cây họ palm, cây chuối...

Hà Vy
Nguồn Sưu tầm/Tổng hợp
Bạn đang đọc bài viết "Đôi nét về bonsai" tại chuyên mục Sinh vật cảnh. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.