Covid-19: Thiếu lòng tin tưởng toàn cầu, loài người khó lòng dập tắt đại dịch

Đăng bởi Quang f (theo Time)

28/03/2020 08:42

Nếu loài người có thể hợp tác chặt chẽ và có niềm tin bền vững với nhau hơn, chúng ta sẽ dễ dàng đánh bại Covid-19 và bất cứ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào.

covid 19 thieu long tin tuong toan cau loai nguoi kho long dap tat dai dich
Nhóm y bác sĩ Trung Quốc chống dịch Covid-19 tại thành phố Vũ Hán. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới xuất hiện luồng chỉ trích toàn cầu hoá là nguyên nhân gây nên sự bùng phát của chủng mới virus corona (SARS-CoV-2). Từ lập luận này, cách duy nhất để ngăn chặn những dịch bệnh khác bùng phát trong tương lai chính là phi toàn cầu hoá toàn bộ thế giới.

Bệnh dịch đã cướp đi hàng triệu sinh mạng xuyên suốt lịch sử loài người, kể cả từ trước khi con người phát minh ra thuật ngữ “toàn cầu hoá”. Thực tế, việc phong toả một quốc gia là điều cần thiết để ngăn chặn đại dịch nguy hiểm như Covid-19, nhưng việc tách riêng lâu dài sẽ khiến nền kinh tế của quốc gia đó sụp đổ mà không hề đem lại bất cứ phương án bảo vệ thiết thực nào để chống lại các loại bệnh truyền nhiễm.

Có một điều không thể phủ nhận, loài người đang dần trở nên dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh do dân số thế giới ngày một tăng lên và các phương tiện giao thông đang ngày một hiện đại. Một con virus có thể đi từ Paris sang Tokyo, rồi đến Mexico City chỉ trong vòng 24 giờ. Do đó, chúng ta đang sống trong một thế giới của bệnh truyền nhiễm, với hết một bệnh dịch nguy hiểm này nối tiếp một bệnh khác.

Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm và ảnh hưởng của dịch bệnh đã thực sự giảm đáng kể. Bất chấp những đợt bùng phát khủng khiếp của dịch AIDS và Ebola, trong thế kỷ XXI, số lượng các ca tử vong do các đại dịch gây ra không bằng một phần nhỏ so với bất kỳ đại dịch nào kể từ thời kỳ đồ đá.

Nhân loại đã nhiều lần chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh bởi ngành y tế thế giới đã dựa vào những phân tích khoa học, chia sẻ thông tin với nhau trên quy mô toàn cầu. Đó cũng là một phần lý do vì sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được sinh ra.

Loài người đối đầu dịch bệnh

Khi đại dịch “Cái chết đen” tấn công thế giới vào thế kỷ XIV, con người không hề biết nguyên nhân gây ra căn bệnh này và không thể nào tìm ra được cách chữa. Họ thường đổ lỗi do loài người đã làm cho thế lực thần thánh nổi giận, ác quỷ từ địa ngục đến trừng phạt… mà không có chút nghi ngờ về sự tồn tại của vi khuẩn và virus. Con người tin vào thiên thần và tiên nữ, nhưng họ không thể tưởng tượng nổi trong một giọt nước có thể chứa một “kho vũ khí” nguy hiểm của những kẻ săn mồi mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

covid 19 thieu long tin tuong toan cau loai nguoi kho long dap tat dai dich
Một trại chữa bệnh cho các bệnh nhân cúm mùa năm 1918 bằng phương pháp 'điều trị bằng không khí trong lành'. (Nguồn: Getty)

Trong thế kỷ qua, các nhà khoa học, bác sĩ và y tá trên khắp thế giới đã tổng hợp thông tin và cùng nhau tìm hiểu cả cơ chế đằng sau dịch bệnh và phương tiện chống lại chúng. Lý thuyết về sự tiến hóa đã giải thích tại sao và làm thế nào các loại bệnh mới có thể bùng phát và các bệnh cũ trở nên độc hại hơn.

Một khi các nhà khoa học hiểu được nguyên nhân xảy ra các dịch bệnh, việc đấu tranh với chúng không phải là vấn đề gì to tát nữa. Từ vaccine, kháng sinh, tăng cường sức đề kháng và vệ sinh, cho đến việc xây dựng cơ sở vật chất y tế hiện đại, tất cả đã giúp loài người chiếm được thế thượng phong trong cuộc chiến chống lại những kẻ thù vô hình. Năm 1967, bệnh đậu mùa khiến 15 triệu người phải nằm viện và hơn 2 triệu người trong số đó tử vong. Nhưng tới năm 2019, nhờ sự phát triển của khoa học và y tế, không một ai bị tử vong, thậm chí là nhiễm đậu mùa.

Mặc dù người Trung cổ chưa bao giờ phát hiện ra nguyên nhân gây ra đại dịch “Cái chết đen”, nhưng các nhà khoa học chỉ mất hai tuần để xác định được chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2), giải mã bộ gen của nó và phát triển một thử nghiệm đáng tin cậy để xác định người nhiễm bệnh.

Vậy, bài học lịch sử kia có thể giúp chúng ta hiểu ra điều gì về cuộc chiến của thế giới chống lại đại dịch Covid-19 hiện nay?

Bảo vệ biên giới loài người và virus

Đầu tiên, đóng cửa biên giới không chắc chắn bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi bệnh truyền nhiễm. Hãy nhớ rằng, dịch bệnh vẫn có thể tha hồ tung hoành ngay cả trong thời Trung cổ. Vậy kể cả khi thế giới phi toàn cầu hoá giống như nước Anh năm 1348 vẫn sẽ không đủ, mà thế giới phải quay lại thời kỳ đồ đá.

Thứ hai, lịch sử chỉ ra rằng việc chia sẻ thông tin khoa học đáng tin cậy và sự đoàn kết toàn cầu mới là “chìa khoá” giúp thế giới đánh bại dịch bệnh. Khi một quốc gia bị dịch bệnh tấn công, họ nên sẵn sàng chia sẻ trung thực thông tin về sự bùng phát mà không sợ hậu quả từ một cuộc khủng hoảng kinh tế, trong khi các quốc gia khác có thể tin tưởng vào thông tin đó và nên sẵn sàng giúp đỡ hơn là tẩy chay nạn nhân. Ngày nay, Trung Quốc có thể cung cấp cho các quốc gia trên thế giới nhiều bài học quan trọng về Covid-19, nhưng điều này đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác quốc tế cao.

covid 19 thieu long tin tuong toan cau loai nguoi kho long dap tat dai dich
Quảng trường St. Mark, thành phố Venice trống trải sau khi chính phủ Italy đưa ra lệnh phong toả toàn bộ đất nước. (Nguồn: Getty)

Có lẽ điều quan trọng nhất mà chúng ta nên nhận ra, đó là dịch bệnh xuất phát từ bất kỳ quốc gia nào cũng có thể gây nguy hiểm đến toàn bộ nhân loại. Điều này là do virus có thể dễ dàng tiến hoá.

Các loài virus như virus corona bắt nguồn từ động vật, chẳng hạn như dơi. Khi chúng nhảy sang người, ban đầu chúng không kịp thích nghi với vật chủ mới mà trong quá trình sao chép, lây nhiễm từ người này sang người kia, virus trải qua hàng loạt quá trình đột biến và hầu hết các loài đột biến đều vô hại. Nhưng thỉnh thoảng, đột biến sẽ khiến cho virus trở nên nguy hiểm hơn, kháng lại hệ thống miễn dịch của con người, sống dai hơn và dễ dang lây nhiễm diện rộng.

Cơ thể một người có thể lưu trữ hàng nghìn tỷ hạt virus trải qua quá trình sao chép liên tục. Mỗi người nhiễm bệnh mang lại cho virus hàng nghìn tỷ cơ hội mới để dễ thích nghi hơn với cơ thể con người. Mỗi người mang mầm bệnh giống như một cỗ máy đánh bạc cung cấp cho virus hàng nghìn tỷ vé xổ số - và virus cần rút ra chỉ một vé trúng thưởng để có tài nguyên phát triển mạnh mẽ.

Trong cuộc chiến chống lại virus, loài người cần bảo vệ chặt chẽ biên giới, nhưng không phải biên giới giữa các quốc gia. Thay vào đó là biên giới giữa nhân thế và thế giới của virus. Nếu một loại virus nguy hiểm tìm cách xâm nhập biên giới này ở bất cứ đâu trên trái đất, nó sẽ khiến cả loài người gặp nguy hiểm.

Xuyên suốt một thế kỷ qua, loài người đã củng cố biên giới này mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại đã được xây dựng để phục vụ như một bức tường ở biên giới đó. Còn các y tá, bác sĩ và nhà khoa học là những người bảo vệ tuần tra và đẩy lùi những kẻ xâm lược.

Tuy nhiên, bức tường này vẫn còn những chỗ thủng cần được xây dựng lại cẩn thận. Có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới thậm chí không được nhận hoặc không chịu nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và điều này khiến tất cả đều gặp nguy hiểm. Chúng ta đã quen với cách nghĩ về đảm bảo y tế ở mức độ quốc gia, nhưng khi người Trung Quốc và người Iran được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn sẽ bảo vệ người Israel và người Mỹ khỏi các dịch bệnh nguy hiểm. Đây là một sự thật đơn giản, nhưng thật không may có nhiều người không nghĩ đến, trong đó có một số nhân vật quan trọng trên thế giới.

Loài người đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng không chỉ do virus corona gây ra, mà là còn do sự thiếu tin tưởng giữa con người với nhau. Để đánh bại một dịch bệnh, mọi người cần tin tưởng các chuyên gia khoa học, công dân cần tin tưởng các cơ quan công quyền, và các quốc gia cần tin tưởng lẫn nhau.

Hợp tác và tin tưởng là chìa khoá

Trong vài năm qua, thế giới đã xuất hiện xu hướng bài hợp tác quốc tế, mất niềm tin vào khoa học. Kết quả là, thế giới đã mất đi những nhà lãnh đạo toàn cầu có thể truyền cảm hứng, tổ chức và tài trợ cho một cuộc đấu tranh chống dịch bệnh toàn cầu.

Mỹ đã từng là nhà lãnh đạo kiểu này trong cuộc chiến chống lại dịch Ebola năm 2014, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Washington tập hợp một loạt quốc gia để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhưng trong những năm gần đây, Mỹ dường như đã thoát ly bản thân ra khỏi vai trò này và thực hiện hàng loạt biện pháp gây cản trở tới dòng chảy tự nhiên của toàn cầu hoá như cắt giảm ngân sách cho các chương trình y tế toàn cầu và WHO… và khi dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ lại đứng trong “cánh gà”. Khoảng trống mà Mỹ để lại đã không được ai thay thế khi bài ngoại, chủ nghĩa cô lập và sự thiếu tin tưởng đang là đặc điểm của hầu hết hệ thống quốc tế.

Nhưng mỗi cuộc khủng hoảng cũng là một cơ hội để chúng ta tự thử nghiệm lòng tin của nhau. Nếu loài người có thể hợp tác với nhau chặt chẽ và bền vững hơn, lúc đó chúng ta đã chính thức đánh bại đại dịch Covid-19 này và là nền tảng để thế giới không còn phải lo sợ bất cứ mầm bệnh nào trong tương lai nữa.

Chiến lược 4 hướng để ngăn chặn đại dịch COVID-19 Chiến lược 4 hướng để ngăn chặn đại dịch COVID-19

Ngay sau khi công bố đại dịch COVID-19, TCYTTG đã khẳng định công bố đại dịch để tất cả các quốc gia nỗ lực ngăn chặn mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải công bố để chuyển trạng thái từ...

Quang f (theo Time)
Nguồn Theo Thế giới & Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết "Covid-19: Thiếu lòng tin tưởng toàn cầu, loài người khó lòng dập tắt đại dịch" tại chuyên mục Vật liệu mới. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.