GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu á Thái Bình Dương được vinh danh là 100 Giáo sư Việt Nam trọn đời cống hiến

Đăng bởi Quyết Tuấn

06/08/2020 12:12

Trong giới Sinh Vật Cảnh Thủ đô, nhất là những người nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sưu tầm hoa lan rất đỗi quen thuộc với GS. TSKH Trần Duy Quý trong suốt 15 năm qua. Bởi trong ông, ngoài tình yêu thủy chung trọn đời dành cho những nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn, nhập nội các giống lúa thì tình yêu ông dành cho những nghiên cứu, khảo nghiệm và sáng tạo về hoa lan, cây cảnh, thơ phú cũng chiếm một vị trí xứng đáng.

IMG_5958

GS. TSKH Trần Duy Quý (bên phải) lưu niệm cùng Nhà báo Đỗ Phượng tại Triển lãm Hoa lan toàn quốc năm 2017

Năm 2006, Nhà báo Đỗ Phượng, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam khi đó cử tôi tới gặp GS.TSKH Trần Duy Quý để mời ông tham gia BCH Trung ương Hội thay TS. Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội do bận công tác. Ấn tượng đầu tiên của tôi đặt chân đến nhà một vị GS danh tiếng khi mới bước vào cửa ngõ là: thấy toàn cuốc, xẻng, những chậu địa lan, cây cảnh, giò phong lan và những bao tải thóc giống để la liệt ngổn ngang từ cổng đến tận phòng khách. Và tôi đặc biệt ấn tượng bởi phong cách giản dị, gần gũi, cởi mở, vui tính, sự uyên thâm thông hiểu của GS về nhiều lĩnh vực. Rồi suốt từ đó đến nay tôi có duyên và vinh dự được gần gũi với GS. TSKH Trần Duy Quý trong các hoạt động của Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, Hội Hoa lan Hà Nội và đến giờ đây mới thêm ở Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.

GS3

GS. TSKH Trần Duy Quý cùng người bạn đời trọn đời thủy chung với cây lúa

Thú thực tôi chỉ rành rọt về những đóng góp thực tế của GS. TSKH Trần Duy Quý trong công tác Hội Sinh Vật Cảnh và những tài liệu nghiên cứu của thầy về hoa lan còn lại những nghiên cứu về các lĩnh vực khác tôi rất mơ hồ. Thành ra đôi lúc, tôi phải tranh thủ tìm hiểu những thông tin ấy qua các tài liệu của ngành nông nghiệp, tư liệu bài viết của bạn bè đồng nghiệp trong làng báo. Qua đó tôi được biết thầy là "Cha để" của nhiều giống lúa cho nông dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

GG4

GS. TSKH Trần Duy Quý cùng các nhà khoa học, đồng nghiệp tại Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam liên hoan thân mật tất niên mừng hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2017 và chuẩn bị chào xuân mới Mậu Tuất 2018

Trước thềm xuân mới Mậu Tuất 2018, hai thầy trò đi thăm và thắp hương tưởng nhớ một số bậc tiền bối đã khuất trong Hội. Trên xe tôi hỏi thầy về một kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ trong những năm gắn bó với cây lúa. Thầy kể, từ luận văn tốt nghiệp đại học, thầy đã bắt đầu nghiên cứu về các đột biến của cây lúa dưới tác động của hóa chất và tia phóng xạ. “Lúc bấy giờ, đây là một hướng nghiên cứu mới mà một người thầy của tôi được đào tạo tại Nga lần đầu tiên mang về giảng dạy tại Việt Nam. Khóa chúng tôi là khóa đầu tiên bắt đầu đi theo hướng nghiên cứu này. Khác với phương pháp lai tạo giống, phương pháp chọn tạo giống bằng công nghệ bức xạ tạo ra các giống lúa thuần với các tính trạng mong muốn bằng cách chiếu phóng xạ xuyên thấu vào hạt giống, gây đột biến tính trạng. Trong thiên nhiên, tia tử ngoại cũng tạo ra nhiều đột biến. Nhờ biến dị di truyền này, thông qua chọn lọc của con người và tự nhiên thì sinh vật mới đa dạng và tiến hóa. Lúa lai có nhiều ưu thế tuy nhiên, cần phải đầu tư tốn kém và lích kích. Ngoài ra, việc sử dụng các giống lúa lai buộc người nông dân phải mua giống khi vào vụ mới, dễ dẫn tới độc quyền của các doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện phải nhập nội giống lúa lai như Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, việc lai tạo các giống lúa thuần bằng công nghệ bức xạ sẽ có lợi cho người dân, đặc biệt là trong giai đoạn còn nghèo như hiện nay. Mục tiêu nghiên cứu đầu tiên của tôi là thay thế được giống Nông nghiệp 8, vốn rất phổ biến tại Việt Nam khi đó nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như chịu bão kém. Khi đó đất nước vẫn chưa thống nhất, mình chưa có lò phản ứng nên muốn chiếu xạ (cho hạt giống) chỉ có thể chiếu ở Bệnh viên K. Tuy nhiên ở đây các máy chiếu xạ ở bệnh viện công suất yếu, bệnh nhân lại đông nên bị ngắt quãng liên tục, không chuẩn. Vì thế, hàng tuần chúng tôi phải gửi hạt giống sang Liên Xô cũ để chiếu xạ rồi mang về chọn. Khó khăn là vậy, nhưng tới đầu những năm 90, bằng sự nỗ lực, tôi và những đồng sự của mình đã chọn tạo được giống lúa DT10 với khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu bão tốt, thay thế cho giống Nông nghiệp 8. Khi trồng khảo nghiệm giống DT10, ông đã phải ký bảo lãnh với người dân: Nếu thất bại, chúng tôi phải đền dân 100% còn nếu được thì chia đều. Năm 1991, bão về, lúa Nông nghiệp 8 bị đổ dạt hết nhưng giống lúa DT10 của chúng tôi thì vẫn đứng vững. Thành ra, nơi trồng Nông nghiệp 8 mỗi sào chỉ được 140 kg, còn DT10 thì đạt 200 kg/sào. “60kg mỗi sào trội lên người dân chia cho chúng tôi một nửa. Nhờ thế mà năm ấy nhiều quân của tôi xây được nhà đấy!. Sau thành công vang dội tại Việt Nam, giống lúa DT10 của chúng tôi đã được phổ biến sang hàng chục nước trên thế giới với diện tích hàng vài chục triệu ha. Có nơi, như Iraq, năng suất giống lúa DT10 đạt tới 11 tấn/ha, trong khi ở Việt Nam chỉ đạt 7-8 tấn ha ”, GS Quý vui vẻ kể.

GS6

Niều vui của GS và đồng nghiệp là những vụ mùa thắng lợi của nông dân

Sau khi tốt nghiệp đại học, về làm việc tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, GS Quý vẫn “say sưa với cây lúa” và gắn bó với công việc chọn giống lúa cho tới hiện tại, khi đã nghỉ hưu. Sau nửa thế kỷ gắn bó với công việc di truyền chọn giống, GS Quý cùng các cộng sự đã chọn tạo được 27 giống lúa cùng nhiều giống đậu tương và hoa. Tới nay, GS Quý đã sở hữu 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, 4 giải thưởng VIFOTEX về KHCN, 1 giải thưởng nhà nước về lúa lai (2005). Giải thưởng của Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương năm 1995, giải thưởng của Tổ chức Nông - Lương quốc tế và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2014 về công trình đột biến tạo giống lúa...

gs2

Dù là "Cha đẻ" của nhiều giống lúa lai nổi tiếng. Song chính GS lại trăn trở đề nghị về việc chỉ nên duy trì một diện tích trồng lúa vừa phải để đảm bảo an ninh lương thực trong một giới hạn cho phép còn lại cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác có năng xuất hơn như: rau, hoa, quả, cây cảnh, cá cảnh...phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu giúp nông dân làm giàu bền vững hơn.

Mùa xuân này, GS. TSKH Trần Duy Quý bước qua tuổi "Thất thập cổ lại hi" nhưng sức khỏe còn dẻo dai, trí tuệ minh mẫn, tinh thần tráng kiện, luôn sảng khoái, sống thanh đạm và sôi nổi với mọi hoạt động công tác xã hội, cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Cùng một lúc ông vẫn đảm nhiệm các trọng trách: Viện trưởng Viện Khoa học hợp tác phát triển khoa học kỹ thuật Chấu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Hoa Lan Hà Nội...

GS60

GS. TSKH Trần Duy Quý trong đoàn kiểm tra trang trí hoa cây cảnh và văn minh Đô thị của Thành phố Hà Nội những ngày giáp Tết Mậu Tuất năm 2018

100 Giao su Viet nam

GS. TSKH Trần Duy Quý được giới thiệu trang trọng trong cuốn sách "100 Giáo sư Việt Nam trọn đời cống hiến" như một sự tôn vinh ghi nhận những cống hiến xuất sắc của ông đối với nền khoa học công nghệ của nước nhà.

70 tuổi xuân, trên 50 năm cống hiến tận tâm, tận lực, tận trí, tận tình cho ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, GS.TSKH Trần Duy Quý đã được Viện danh nhân Thế giới của Hoa Kỳ bình chọn là 1 trong 1.000 nhà khoa học có ảnh hưởng đến Thế giới năm 2002. Vào những ngày đầu mùa xuân Mậu Tuất 2018 này, GS.TSKH Trần Duy Quý vừa được Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng một số cơ quan có uy tín bình chọn và giới thiệu trong cuốn sách "100 Giáo sư Việt Nam chọn đời cống hiến". Quả đúng là:

Hơn nửa thế kỷ, chung tình bên cây lúa

Bảy tuần thưởng Tết, vẹn nghĩa với nước non

gs11

Sáng ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất năm 2018 tại quê nhà, chính quyền, đoàn thể tại quê hương thôn Nam Bản, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và toàn thể gia đình mừng khánh thọ GS. TSKH Trần Duy Quý tròn 70 xuân.

Những trang viết về GS. TSKH Trần Duy Quý trong cuốn sách "100 Giáo sư Việt Nam trọn đời cống hiến":

gs01_1

GS02

GS03

Gs04

GS05

GS06

GS07

GS08

GS09

GS10

Quyết Tuấn
Nguồn http://vanhien.vn/news/gs-tskh-tran-duy-quy-100-giao-su-viet-nam-tron-doi-cong-hien-1000-nha-khoa-hoc-co-anh-huong-den-the-gioi-59922
Bạn đang đọc bài viết "GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu á Thái Bình Dương được vinh danh là 100 Giáo sư Việt Nam trọn đời cống hiến" tại chuyên mục TIN TỨC. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.