Rau cải bẹ và những tác dụng đối với sức khỏe

Đăng bởi PGS.TS Phạm Xuân Sinh

22/12/2020 14:33

Ngoài việc dùng trong y học, hạt cải bẹ còn được dùng để chế biến gia vị “mù tạt”, và dùng ép dầu làm nguyên liệu chế biến phụ tử.

1. Nhận biết rau cải bẹ

Cải bẹ hay còn gọi là cải canh [ Brassica juncea (L.) Czerm et Cosson], họ Cải (Brassicaceae), là cây thảo, sống hàng năm. Thân hình trụ nhẵn, khi ra hoa có thể cao hơn 1 mét.  Phiến lá to và rộng, phía dưới có rãnh sâu, lượn sóng, mép có răng cưa thô. Hoa màu vàng, mọc ở kẽ lá và ở ngọn.

Cây cải bẹ và những tác dụng chữa bệnh

Ảnh minh họa nguồn internet

Quả thuôn dài, đầu có mũi nhọn. Hạt nhỏ, hình cầu, màu  vàng hoặc nâu. Là cây được trồng hầu như ở tất cả các vùng trong cả nước, nhiều nhất ở các vùng đồng bằng sông Hồng, như ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương….

2. Giá trị sử dụng của cải bẹ

Là cây vừa có giá trị về mặt thực phẩm vừa có giá trị làm thuốc trong YHCT. Người ta thu hái các quả, để đập lấy hạt  làm thuốc. Hạt cải bẹ có tên vị thuốc là bạch  giới tử ( Semen Brassicae allbae) chứa chất dầu mà thành phần chủ yếu là a xít  béo sinapic, arachidic, crucic… , có tinh dầu, được hình thành chủ yếu sau khi thủy phân glucosid sinigrosid có trong hạt cải bởi enzym myrosinase (có trong hạt cải) để cho chất sulfat axít Kali glucose và alyl isothiacyanat (cò ngọi là tinh dầu mù tạc) có mùi đặc trưng của họ Cải.  Sản phẩm này có tác dụng kích thích da, gây sung huyết. Trên cơ sở đó làm tan các mụn nhọt, giảm đau cơ, đau dây thần kinh. Tuy nhiên nếu sử dụng thời  gian dài hoặc liều cao có thể làm rộp da, hoặc gây nôn, gây viêm dạ dày, ruột, dẫn đến đau bụng.

Ngoài việc dùng trong y học, hạt cải bẹ còn được dùng để chế biến gia vị “mù tạc”, và dùng ép dầu làm nguyên liệu chế biến phụ tử.

Trước khi dùng, tùy theo yêu cầu có thể tiến hành chế biến theo một số phương pháp vi sao, sao đen, sao vàng.

3. Tác dụng của cải bẹ theo y học cổ truyền

 Theo YHCT, bạch giới tử có tác dụng ôn phế, trừ đàm hàn, giảm đau, tiêu thũng, tán kết, thông kinh lạc, hành khí, lợi khí. Dùng trị ho hàn, nhiều đờm, suyễn tức, khó thở, sườn ngực đau trướng, xương khớp tê đau.

 Liều dùng, ngày  3 – 9g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn, tán.

 Kiêng kỵ, phế hư, ho khan,

  Không nên sử dụng thời gian dài hoặc liều cao.

  4. Một số chứng bệnh thường dùng hạt cải bẹ:

– Trị ho đờm, suyễn kéo dài, hạt cải bẹ, hạt cải củ, cò ngọi là lai phục tử (Semen Raphani), quả tía tô, cò ngọi là tô tử (Fructus Perillae frutescentis), đồng lượng 6 – 9g, dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

– Trị mụn nhọt sưng đau, đau họng, hạt cải bẹ 9g vi sao, nghiền mịn, thêm chút nước, quấy đều tạo thành dạng hồ nhão, lấy bông sạch chấm thuốc, bôi vào nơi sưng đau, nếu đau họng thì bôi quanh vùng ngoài yết hầu, nếu nhọt bọc, hoặc viêm hạch lâm ba thì bôi chỗ sưng, làm nhiều lần trong ngày .

– Trị đau đầu, hạt cải bẹ 8g, vi sao, tán mịn, mặt khác lấy 10g gừng tươi, rửa sạch, thái phiến, giã nát, vắt lấy nước cốt. Đem bột hạt cải bẹ trộn đều với nước gừng, rồi bôi vào vùng gáy.

PGS.TS Phạm Xuân Sinh
Nguồn https://thaythuocvietnam.vn/rau-cai-va-nhung-tac-dung-doi-voi-suc-khoe/s
Bạn đang đọc bài viết "Rau cải bẹ và những tác dụng đối với sức khỏe" tại chuyên mục Sức khỏe. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.