Tiếp tục lan tỏa Chương trình OCOP

Đăng bởi Thu Dung

26/12/2020 14:06

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2019, muộn hơn so với một số tỉnh, thành phố, nhưng Hà Nội lại có số sản phẩm được công nhận lớn nhất cả nước. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí xung quanh vấn đề này cũng như việc tiếp tục lan tỏa chương trình trong những năm tới.

PV: Ông có thể đánh giá kết quả nổi bật mà Hà Nội đã đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP?

Ông Nguyễn Văn Chí: Triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP. Đến nay, thành phố đã có quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 421 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm 3 sao. Hiện, các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá, phân hạng khoảng 370 sản phẩm nữa, phấn đấu đến hết năm 2020, có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

PV: Được biết, Hà Nội triển khai Chương trình OCOP muộn hơn so với một số tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng kết quả đạt được lại rất cao. Ông nhìn nhận thế nào về thành công này?

Ông Nguyễn Văn Chí: Trước hết, Hà Nội có những thuận lợi riêng trong triển khai Chương trình OCOP. Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề - số lượng làng nghề lớn nhất cả nước; đồng thời có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp, 1.581 trang trại, 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp và hơn 2.300 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code... Đây là cơ sở để lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP.

Bên cạnh thuận lợi nêu trên, yếu tố quan trọng mang đến thành công của Chương trình OCOP là sự nỗ lực rất lớn của toàn thành phố. Hà Nội đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn kịp thời, đáp ứng các yêu cầu trong việc thực hiện chương trình. Cùng với đó, trong 2 năm qua, thành phố đã bố trí nguồn vốn, tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP các cấp; tổ chức đào tạo kỹ năng quản trị sản xuất, kinh doanh cho cán bộ các hợp tác xã, chủ các trang trại, hộ sản xuất… Các chủ thể OCOP cũng đã đầu tư, đổi mới công nghệ, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm...

PV: Điều quan trọng nhất sau khi được công nhận OCOP là sản phẩm phải nâng cao giá trị, tìm được chỗ đứng trên thị trường. Vậy, Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể OCOP giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Đúng vậy! Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, năm 2020, Hà Nội đã đưa vào hoạt động 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Thành phố cũng đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền, gồm: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi sự kiện như vậy đã thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan, nhận diện thương hiệu và mua sản phẩm. Cũng tại những sự kiện này, các hội thảo kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa nhà phân phối, nhà bán lẻ với các chủ thể OCOP được thực hiện, tạo thêm cơ hội cho các bên liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Thống kê từ các sự kiện kết nối này cho thấy đã có hàng trăm biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết và triển khai. 

PV: Bước sang chặng đường mới, Hà Nội sẽ phát triển sản phẩm OCOP như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xác định sẽ phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất 400 sản phẩm OCOP mới. Thành phố sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề có thương hiệu và sản phẩm có sự tham gia của cộng đồng.

Thực tế cho thấy, một số sản phẩm chủ lực của địa phương sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô sơ, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm thấp, sức cạnh tranh chưa cao. Một số sản phẩm tham gia dự thi có chất lượng tốt nhưng thiếu hồ sơ minh chứng, như: Kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất... Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP khắc phục những điểm yếu nêu trên.

Mặt khác, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về Chương trình OCOP; đồng thời tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia chương trình; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kinh phí cho các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm… Cùng với đó, thành phố sẽ triển khai thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội, từ đó tiếp tục lan tỏa Chương trình OCOP trong đời sống.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Dung
Bạn đang đọc bài viết "Tiếp tục lan tỏa Chương trình OCOP" tại chuyên mục Nông thôn mới - sản phẩm OCOP. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.