Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: Cải thiện hạ tầng nông thôn

Đăng bởi Cảnh Trực

27/10/2020 21:19

Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới với các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; hỗ trợ vốn từ trung ương và phát huy nội lực sẵn có, khu vực nông nghiệp nông thôn vùng Duyên hải Nam Trung bộ đã có những đổi thay đáng kể. Thu nhập của người dân tăng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện, các mô hình sản xuất ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả.

Nhiều mô hình thành công

Với ý thức xây dựng nông thôn mới là "cơ hội vàng" để cuộc sống của gia đình và làng xóm tốt đẹp hơn, mô hình "Người dân chủ động tìm mô hình sản xuất phù hợp, chính quyền địa phương song hành với người dân trong quá trình sản xuất" tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã được hình thành.

Tùy theo khả năng và điều kiện của từng gia đình, các hộ dân và cá nhân đã chủ động tìm ra ngành, nghề phù hợp để tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Người dân sau khi chủ động tìm ra mô hình sản xuất phù hợp, chính quyền xã tiếp tục song hành với người dân trong quá trình sản xuất. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, UBND huyện Hòa Vang đã hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã dựng trang web quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng; giúp hợp tác xã, các hộ sản xuất xây dựng mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị, trường học bán trú trên địa bàn huyện và mở rộng trên thành phố, những bếp ăn tập thể. Theo đó, nhiều mô hình đã được người dân xây dựng và mang lại hiệu quả kinh tế như: Mô hình trồng nấm sò và nấm linh chi tại xã Hòa Nhơn cho lãi thuần 120 triệu đồng/hộ/năm; trồng ớt xanh tại xã Hòa Phong, trang trại nuôi vịt trời, nuôi gà Ai Cập kết hợp du lịch sinh thái tại xã Hòa Phong được thành phố đánh giá cao.

Tương tự, tại Quảng Nam, mô hình "Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ" được xây dựng. Tại đây, địa phương cũng có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tại xã Tam Phú (TP. Tam Kỳ), bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, ưu tiên hàng đầu của Tam Phú là tập trung phát triển sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng măng tây; sản xuất rau, củ, quả sạch; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, sản xuất lúa chất lượng cao… Bên cạnh đó, trên 150 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ, với tổng diện tích 120ha, đem lại thu nhập bình quân của các hộ nuôi tôm từ 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, với các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; hỗ trợ vốn từ trung ương và phát huy nội lực sẵn có; khu vực nông nghiệp nông thôn vùng Duyên hải Nam Trung bộ đã có những đổi thay đáng kể. Thu nhập của người dân tăng cao; cơ sở hạ tầng nông thôn đã được cải thiện, các mô hình sản xuất ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả...

Trong thời gian qua, việc triển khai chương trình cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các địa phương trong vùng. Nhờ các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chương trình xây dựng nông thôn mới cơ bản đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng nông thôn dần được hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương trong vùng. Kinh tế hộ gia đình và cộng đồng dân cư ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng cao.

Cần xây dựng bộ tiêu chí riêng cho các xã miền núi, hải đảo

Bên cạnh kết quả đạt được, vùng Duyên hải Nam Trung bộ có vị trí trải dài và cách xa hai trung tâm kinh tế trọng điểm (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), địa hình phức tạp, diện tích đồi núi lớn, đất hoang hóa nhiều, dân cư và đất canh tác rải rác. Ở xã miền núi, vùng cao và hải đảo, khó bố trí khu trung tâm xã để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, lấy đất đủ diện tích cho các công trình để đạt theo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cũng như quy hoạch hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khác (điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi...). Tỷ lệ các xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao và hải đảo chiếm tới 53,45% trong tổng số xã ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Do đó, cần có các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, nên nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí mềm mang đặc trưng của vùng. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chí riêng cho các xã miền núi và hải đảo; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận từ khu vực nông nghiệp nông thôn. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất trong nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững hơn…

Bên cạnh đó, thành lập ban đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới ở các xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới và các xã vùng khó khăn để có cơ chế và hướng đầu tư phù hợp. Vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là người dân nên cần có cơ chế hỗ trợ trong công tác tuyên truyền phù hợp, tránh người dân ỷ lại vào nhà nước, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng cao và hải đảo.

Cảnh Trực
Bạn đang đọc bài viết "Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: Cải thiện hạ tầng nông thôn" tại chuyên mục Nông thôn mới - sản phẩm OCOP. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.