Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947 đến Đại thắng mùa xuân 1975

24/08/2021 21:17

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), chúng ta cùng tìm hiểu lịch sử từ Chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947 đến Đại thắng mùa xuân 1975 để hiểu rõ hơn về nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp.

Từ Chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947... 

Trong hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng kể, sau cuộc gặp Bác Hồ ở Thúy Hồ (Côn Minh) vào tháng 6-1940, một hôm khi nói đến việc ông và đồng chí Phạm Văn Đồng sẽ đi Diên An, vào trường Đảng học tập chính trị, Bác dặn đi dặn lại ông cố gắng học thêm quân sự. Sau này trở về Việt Nam, ở Pác Bó, khi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, Bác Hồ đã trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và Người kiên quyết nhắc lại, ông phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự. Nhận nhiệm vụ Bác giao, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phát triển các tổ chức quần chúng, trước hết là các tổ chức chính trị, sau đó là các đội tự vệ.

Đến tháng 12-1944, Bác Hồ lại giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Kể từ đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp bắt đầu bước vào cuộc đời của một chỉ huy cầm quân suốt cuộc trường chinh của dân tộc, chỉ huy Quân đội ta lập nên những chiến công vang dội. Đội quân ấy dưới sự chỉ huy của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước.

bia11-1629799637.jpg

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chính quyền non trẻ khi đó đã ký hiệp định hoàn hoãn nhưng người Pháp đã vi phạm hiệp định, tấn công nhiều tỉnh ở miền Bắc và ra tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ ở Thủ đô. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bộ đội ta công kích đồng loạt vào các vị trí quân Pháp, sau đó nhanh chóng chuyển sang bao vây, ghìm giữ quân địch ở Hà Nội và các thành phố, thị xã trên địa bàn cả nước.

Bị sa lầy tại các thành phố, thị xã, thực dân Pháp xúc tiến việc chuẩn bị một cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta bằng chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh". Với trên trên 12.000 quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, quân Pháp hình thành hai “gọng kìm” lớn theo đường số 4, số 3 và phối hợp với cánh quân tiến theo sông Lô, sông Gâm nhằm bao vây chặt căn cứ Việt Bắc; đồng thời, cho quân nhảy dù xuống trung tâm chiến khu, tiến hành càn quét, tìm diệt chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

2018-12-11-buc-anh-don-phai-khat-2-15-17-17-476-1629802623.jpg

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh Tư liệu )

Chiều ngày 14/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng họp thông qua Chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Hội nghị nhận định, “nếu biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của Pháp thì nhất định cuộc tiến công của họ sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nhất trí tổ chức ba mặt trận như báo cáo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Nhận thấy điểm yếu chí tử của quân Pháp là công tác hậu cần, Bộ Tổng chỉ huy dưới sự chỉ đạo của Võ Nguyên Giáp đã chủ trương “đánh mạnh ở mặt trận Sông Lô và đường 4, phá hoạt động giao thông vận tải tiếp tế của địch, kết hợp chặt việc phát động nhân dân bỏ vườn không nhà trống, triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch”.

Vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, bộ đội đã từng bước phá vỡ thế đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Pháp, cuộc hành quân Lê-a phá sản hoàn toàn. Giai đoạn 2 Pháp tiếp tục mở cuộc hành quân Xanh-tuya từ ngày 19/11 đến ngày 14/12/1947 đánh vào khu vực tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ Lạng Thương - Việt Trì, nơi các cơ quan chính phủ Việt Minh trú đóng. Cuộc hành quân tiếp tục vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Kế hoạch tiêu diệt đầu não Việt Minh của thực dân Pháp phá sản hoàn toàn.

1-1629798986.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Ảnh: TL

Ngày 22/12/1947, cuộc chiến đấu chống địch tấn công Việt Bắc kết thúc thắng lợi. Việt Bắc đã trở thành "mồ chôn quân Pháp" với hơn 6.000 tên địch bị loại, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 ca nô và tàu chiến và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác. Chiến dịch Việt BắcThu - Đông năm 1947 diễn ra và giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, cùng nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam dưới sự chỉ huy tài tình của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947 có tính chất bước ngoặt trong kháng chiến chống Pháp, đã khẳng định tài năng quân sự xuất chúng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phong Đại tướng cho ông vào ngày 28/05/1948, đưa ông trở thành vị  tướng Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung mà Bác Hồ đã dạy. Những đức tính ấy, nhất là Trí và Dũng, bộc lộ rất sớm ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều này có thể thấy qua cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên giữa hai quân đội rất chênh lệch về trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến trong Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947, để khẳng định tài cầm quân ở tầm chiến lược của ông xuất hiện ngay từ những năm đầu của kháng chiến toàn quốc. 

Đến Đại thắng mùa xuân năm 1975

Tiếp sau chiến thắng đánh bại quân viễn chinh nhà nghề xâm lược Pháp trong chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" khi đánh vào Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu - Đông 1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục tổ chức thắng lợi chiến dịch Biên giới 1950 với mưu kế "đánh điểm, diệt viện" đã buộc tướng Na-va phải xé lẻ lực lượng để đối phó trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954.

Sau đó, với nhãn quan của một thiên tài quân sự, phân tích sâu sắc tình hình địch-ta và tư duy nhạy bén, ông đã thực hiện phương châm tránh những mũi nhọn của địch và đánh vào chỗ yếu của địch. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn nước ngoài muốn dùng chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh", dù phải đổ bao nhiêu xương máu. Nhưng sau 10 ngày cân nhắc, suy nghĩ, ông đã quyết định ngược lại là "đánh chắc, thắng chắc", mục đích là đảm bảo chắc thắng và ít tổn thất, thương vong cho chiến sĩ.

ttxvn1512gi-1576428789-94-1629798845.jpg

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

K-FRESH 2021- ĐẢM BẢO ĐẦY ĐỦ CÁC MẶT HÀNG NÔNG SẢN TƯƠI NGON, AN TOÀN TRONG MÙA DỊCH

Tài trợ

Chính Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đoàn trưởng Đại đoàn 312 và nhiều tướng lĩnh tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát biểu: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Đây là quyết định dũng cảm, sáng suốt của Đại tướng, nếu như theo phương án ban đầu thì chúng ta sẽ bị tổn thất vô cùng to lớn, thậm chí còn thất bại thảm hại trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa gắn với đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chẳng những đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mà còn mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuối năm 1967, hoạt động của bộ đội ta rộ lên ở phía tây đường 9. Trong lúc Mỹ-ngụy chờ đợi một Điện Biên Phủ mới ở Khe Sanh thì Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công của ta nổ ra ở Sài Gòn, Huế và trên 100 thị xã, đô thị miền Nam, buộc Nhà trắng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn hòa đàm ở Paris. Tiếp đó, chiến dịch đường 9 – Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719, rồi đến chiến dịch Trị Thiên (1972) giành thắng lợi vang dội, đều in đậm dấu ấn chỉ huy tài tình của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, với tài thao lược kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dự kiến sớm phương án đánh cho quân Mỹ thua ngay trên bầu trời Hà Nội. Hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng viết: Tháng 9 - 1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định: Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng. Ngay trong ngày hôm sau, nhân danh Bí thư Quân ủy Trung ương, tôi chỉ thị cho các đảng bộ trong toàn quân: “B52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không-Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”.

Đầu tháng 9-1972, kế hoạch đánh B52 của ta đã hoàn thành. Khi trận chiến diễn ra, Đại tướng xuống nhiều trận địa tên lửa, sở chỉ huy phòng không kiểm tra tình hình. Bội đội ta bị thiếu đạn, ông chỉ thị khẩn trương lắp ráp đạn tên lửa, không dùng tên lửa bắn máy bay cường kích, mà dùng để đánh B52. Chỉ thị này đã góp phần làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” nức lòng quân dân cả nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam diễn ra gay go và ác liệt, cần thiết phải có một con đường để hành quân và vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường lớn. Ngay từ năm 1959, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Khi đó, ông đã có những chỉ thị rất cụ thể: “Việc mở đường không được ai biết, không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật, một mẩu thuốc là cũng có thể tạo nên một vật chứng làm hỏng việc lớn...”. Hai con đường huyết mạch huyền thoại xuyên rừng, vượt biển đó đã thay đổi thế cờ của cuộc chiến ở miền Nam, góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

anh-cuoi-1629802407.jpg

Ảnh tư liệu

Khi thời cơ chiến lược đã đến, cần có những trận quyết chiến chiến lược để giành toàn thắng, tuy nhiên vẫn còn ý kiến tranh luận nên chọn hướng chiến trường chính và mục tiêu tiến công ở đâu. Tháng 12-1974, Bộ Chính trị họp mở rộng, sau khi nghe Bộ Tổng tham mưu trình bày dự kiến Kế hoạch quân sự năm 1975, thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Trong kế hoạch quân sự 1975-1976 cần phải ghi rõ diệt địch ở Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Có thể sau khi ta tiêu diệt Buôn Ma Thuột, địch sẽ rối loại, khi đó ta phải chớp thời cơ giải phóng Huế. Nếu lúc đó, ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến, thì lỡ mất thời cơ. (Tổng hành dinh mùa Xuân toàn thắng). Nhiều nhà nghiên cứu quân sự sau này nhận định, đòn đánh vào Buôn Ma Thuột thực sự là một đòn “điểm huyệt” vào toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, đưa chúng đến chỗ tan rã nhanh chóng.

Khi Quân đoàn 2 của địch tan rã trên đường rút chạy khỏi Tây Nguyên. Ngày 18-3-1975, Đại tướng thay mặt Quân ủy Trung ương đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý cho giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976. Ông hạ lệnh cho quân đoàn 1 lên đường, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quảng - Đà vừa mới thành lập nhanh chóng tiến công Đà Nẵng.

Đồng thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiến nghị với Bộ Chính trị và được ghi vào Nghị quyết ngày 25-3-1975: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo mà quân Ngụy đang chiếm giữ, vì nếu không khẩn trương giải phóng các đảo và quần đảo, nước ngoài sẽ chiếm mất, rất phức tạp và khó khăn về sau”.

17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi Chính ủy QK5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân bức mật lệnh số 990B/TK với nội dung: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân Ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Lưu ý: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Theo lệnh của Đại tướng, bộ đội ta thu hồi lần lượt các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, đến 28-4-1975, thu hồi đến đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đó, chúng ta đã chủ động giải phóng các đảo và bảo vệ vững chắc để tạo được ra những tiền tiền cho phát triển kinh tế biến gắn với phòng thủ từ đại dương cho những giai đoạn tiếp theo.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: Ngày 26-3 tại Tổng hành dinh đề nghị của anh Tấn (Thượng tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh mặt trận Quảng-Đà) chuẩn bị chiến đấu 5 ngày. Tôi phân tích ngắn gọn, nêu rõ tình huống địch tử thủ, ta chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi, tôi chỉ thị làm kế hoạch đánh địch theo hướng chúng rút trong 3 ngày, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công lên, không họp Đảng ủy, chỉ trao đổi bằng điện thoại. Khi tướng Tấn còn phân vân, tôi nói giọng có phần gay gắt: Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh, nếu là người khác thì tôi ra lệnh. Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày.

Có thể thấy, chiến thắng mùa Xuân 1975 thêm một lần nữa khẳng định tài năng nghệ thuật quân sự thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi điểm đúng tử huyệt Buôn Ma Thuột, quân đội ngụy hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Phán đoán địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, Đại tướng đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975, kịp thời mở các chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa!" cho toàn quân tiến lên, cùng với 4 cánh quân khác tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

sua222-1629715671-1629799287.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và nghệ thuật chiến tranh Nhân dân của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; Ảnh Trần Tuấn 

Trong suốt những chặng đường lịch sử và sự nghiệp của mình, đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm xưa còn là đối thủ của ông. Ông là vị tướng của nhân dân, danh tướng vì hòa bình, một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế.

Điểm khác biệt lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà hiếm có vị tướng nào trên thế giới làm được, đó là sự nể phục và quý trọng của các vị tướng từng bại dưới tay ông. Tướng De Castries thất bại trước tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.

“Với cựu binh Pháp, Tướng Giáp luôn là người đối thoại vĩ đại. Ý chí dân tộc mạnh mẽ cùng với tài năng quân sự thiên bẩm đã đưa ông trở thành một nhân vật lịch sử, một nhà ái quốc mà người Pháp chúng tôi ngưỡng mộ”. Đó là lời khẳng định của Tướng Pháp Jean Dufourcq.

Đặc biệt trong cuộc gặp lịch sử giữa cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1997, chính tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục. Chắc các bạn của tôi ở đây (Ý nói Tướng Robert McNamara) cũng sẽ như vậy”.

 Được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác trọng trách cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Hồ Chủ tịch trao, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, ông đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác của dân tộc. Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại.

-------------

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Người lính vì dân, vị tướng của hòa bình", NXB Lao động năm 2009

Nguồn https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/dau-an-dai-tuong-vo-nguyen-giap-tu-chien-dich-viet-bac-thu-dong-nam-1947-den-dai-thang-mua-xuan-1975-a6405.html
Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947 đến Đại thắng mùa xuân 1975" tại chuyên mục THƯƠNG HIỆU - SẮC ĐẸP. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.